Wednesday, May 29, 2019

KHI CON VÔ LÝ, PHẢI LÀM SAO ĐÂY?


Câu chuyện trẻ con có những ứng xử vô lý luôn là vấn đề nan giải đối với gia đình. Tuy giai đoạn này thật khó chịu nhưng đó là giai đoạn quyết định suốt đời con vì nó là nền tảng hình thành nhân cách. Con đang muốn khẳng định cái tôi thì hãy khéo léo để con được khẳng định nhưng con cần học các quy tắc ứng xử. Vì vậy cách bố/mẹ ông/bà xử lý hợp lý sẽ giúp bé sớm vượt qua giai đoạn này. 2 cách giao tiếp khác nhau sẽ hình thành 2 con người khác nhau nên hãy cẩn thận với mọi hành vi của mình các bố mẹ nhé!


Buổi sáng ngủ dậy, nghe loáng thoáng 2 bà cháu oang oang dưới nhà, biết là Gấu lại trêu ngươi bà rồi đây.
- Gấu: ... “Con không xuống, tại bà... tại bà... hu hu...”
- Bà: ...“Có xuống đây nhanh không thì bảo, ăn nhanh còn đi học...”

Mình phi như bay xuống, thấy mình thế là hắn khóc nức nở bảo:
-    Tại bà ấy, cấm bà, không chơi với bà! (?!)
(Hóa ra là cu cậu thích ăn bánh tìm không được kéo nhỏ, bà đưa cho kéo to và bảo kéo nào chẳng là kéo cắt được là được, thế là ăn vạ... Bó tay!)
Mình liền ngồi xuống ngang mặt bạn ấy rồi nhẹ nhàng hỏi:
-        Có chuyện gì thế Bạn Gấu? Gấu nói mẹ nghe nào?
Gấu bắt đầu vừa nói vừa khóc thút tha thút thít không thể nghe ra từ gì.
-        Bây giờ Gấu khóc mẹ nghe không rõ, hay là con ra góc bình yên khóc cho tới khi bình tĩnh lại rồi mẹ con mình cùng nói chuyện nhé”
(giọng nói mình bình thản nhẹ nhàng như là không có chuyện gì to tát xảy ra)

Bạn ấy bắt đầu nín khóc, rồi cứ khi chuẩn bị nói lại bắt đầu lại khóc ẫm ức... mình lại trấn an:
-        Bạn Gấu ơi, mẹ thấy bạn Gấu vẫn chưa bình tĩnh, bây giờ bạn Gấu nín khóc, hít thở sâu 3 cái, nếu ko thở được bằng mũi thì thở bằng miệng nhé,
nào hit vào ...thở ra... hít vào ...thở ra...
con cảm nhận thấy cơn nóng giận của mình làm cơ thể có phản ứng khó chịu không? Con đặt tay lên ngực xem, có thấy tim đập nhanh không? Hơi thở thì gấp này, nước mắt chảy ra rồi mũi cũng tịt nữa này, không tốt cho cơ thể đâu... Bây giờ bạn Gấu uống cốc nước cho bình tĩnh lại nhé...!

2-3 phút sau...
Rồi! giờ bạn Gấu cảm thấy bình tĩnh lại được chưa?
Mỗi lần không quản trị được cảm xúc bạn Gấu cứ hít thở sâu và uống nước nhé!
Giờ mẹ thấy Gấu bình tĩnh rồi, Gấu chia sẻ mẹ nghe xem câu chuyện là như thế nào nào?
-        Con cắt túi bánh này ăn, con muốn dùng kéo nhỏ mà bà cứ bắt con dùng kéo to, từ bây giờ con cấm bà không được dùng cái kéo này nữa, vứt cái kéo này đi... hu hu
(nước mắt lại lưng tròng)
-        Rồi bây giờ mẹ thấy con lại không quản trị được cảm xúc rồi,
nếu con không bình tĩnh lại mẹ sẽ không thể nghe con nói được,
giờ lại chờ con bình tĩnh lại rồi mình nói chuyện tiếp
(lúc này ngưng khóc)
-    Rồi bây giờ con bình tĩnh rồi phải không? Mình cùng nói chuyện
Thứ nhất mẹ thấy nếu con thích dùng kéo nhỏ thì con có thể nói chuyện bằng lời lẽ, đưa ra các lý do con muốn dùng kéo nhỏ
ví dụ: bà ơi, còn thích dùng kéo nhỏ vì thứ nhất là nó là kéo con vẫn hay dùng. thứ 2 là nó nhỏ vừa tay của con. Thứ 3 là con chỉ thích dùng cái kéo đó...vân ..vân..Rồi còn nhờ bà tìm hộ xem bạn kéo ở đâu. Khi các lý do con đưa ra bà thấy hợp lý thì con làm thôi, chứ không phải con quát lên thì con sẽ thấy cái kéo hoặc là bà phải đi tìm kéo cho con.

Thứ 2 là con quát người lớn là con vi phạm quy tắc tôn trọng người lớn
Đã vi phạm quy tắc thì là sai, sẽ bị phạt đứng vào vòng bình yên để suy nghĩ, nếu con không đứng vào vòng bình yên thì mọi thứ từ đi chơi, xem điện thoại, du lịch, mua đồ chơi đều bị cắt hết. Con có muốn mất những thứ đó không?

-        Nhưng mà bà cứ bắt con phải dùng kéo to!

-        Vậy con đã thuyết phục bà bằng các lý do chưa?

-        Con nói rồi!
(bạn ấy bắt đầu nói dối)
-        Ồ! vậy hả? vậy con nhắc lại mẹ nghe coi lý do con đã nói là gì thế để mẹ xem có hợp lý không nào, nếu con nói dối là cái mũi nó dài ra giống Pinochio đấy.
(Gấu im lặng)
-        Mẹ đã dạy con như thế nào nhỉ? Khi con muốn làm điều gì, hoặc giải thích điều gì con cần đưa ra các lý do để thuyết phục, nếu lý do con đưa ra chưa hợp lý để thuyết phục thì rất có thể là điều đó không nên làm cần phải suy nghĩ thêm

-        Con ghét cái kéo này, con không bao giờ dùng cái kéo to này!
(Bạn ấy chạy cầm kéo vứt vào thùng rác)

-        Gấu! con không được làm như thế!...(hắn vứt vào thùng rác, mình vẫn cố giữ bình tĩnh) ok con cứ ném cái kéo vào thùng rác đi nhưng chắc chắn sau 2 tuần con sẽ không được dùng cái kéo đó nữa.

-        Con sẽ không dùng nó cả năm luôn – (thanh niên cứng chém gió)
-        Rồi mẹ đồng ý, tuy nhiên làm như vậy là con vi phạm quy tắc không tôn trọng đồ vật. Mẹ sẽ cất cái kéo đó và từ giờ con sẽ không cần phải dùng kéo nữa, vì đó là kéo mẹ đã bỏ tiền ra mua, mẹ rất yêu cái kéo
-        Con ghét bà - (chỉ tay về phía bà đang ở phòng khách)
-        Ồ! nói và hành động như vậy là lại vi phạm quy tắc tôn trọng người lớn nữa rồi - (bất ngờ khi con hỗn, tuy nhiên mình vẫn bình tĩnh lại và kiên trì thuyết phục)
-        Ừ, con ghét bà nhưng... con có biết là Bà rất là yêu con? Bà đang cố giúp con... bây giờ con cùng mẹ nghĩ nhé:
Hàng ngày ai nấu cơm cho con ăn? - “bà” (gượng ghịu trả lời)
Ai chở con đi học? - “Bà”
Ai thức đêm khi con bị ốm? - “bà”
...
Thế con thấy bà có yêu con không? – “Có” – (Nói giọng nhỏ xíu)
(chú thích: Mẹ đi làm xa chỉ về mỗi cuối tuần)
Thế con thử tưởng tượng xem con hỗn với bà, bà mà đuổi đi thì làm thế nào?
... (im lặng)
-        Con có bao giờ thấy mẹ dám hỗn với bà không? Bà là người đáng kính nhất trong nhà, mẹ còn không dám cãi lời, thì con là người nhỏ nhất làm sao mà dám hỗn được, con làm như vậy bà buồn lắm đấy. Lát nữa con ra xin lỗi bà cho bà vui nhé.
(gật)
-        Đúng rồi, làm sai mà biết xin lỗi là rất dũng cảm, lại đây mẹ yêu Gấu dũng cảm nào. À còn 1 chuyện nữa, cái kéo lúc nãy con vứt trong thùng rác, con có muốn nhặt lại nó không?
(tự đi ra thùng rác nhặt lại cái kéo, hắn định vứt vào chậu)
-        Gấu ơi, mẹ thấy là cái kéo rơi vào thùng rác nó bẩn mất rồi, theo con thì có nên rửa nó không?
Hắn mở vòi nước lên xịt xịt
-        Mẹ nghĩ là dội nước thì không sạch được bẩn đâu, chắc phải dùng xà phòng?
(hắn lấy xà phòng xoa xoa và tự rửa sạch)
-        Ồ cái kéo sạch rồi này, con biết tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, mẹ thấy Gấu rất đáng khen!
High Five nào ...Yeah!
-        Giờ con ăn cơm rồi đến trường nhé, hôm nay mình chắc đi hoc muộn mất rồi
Chúc con yêu đi học vui vẻ nhé, mẹ yêu con!

Kết thúc 1 buổi sáng của tuổi ương bướng, thấy độ bình tĩnh của mình thật đạt trình cao hơn xưa, tuy nhiên mọi chuyện đều tốt đẹp và không có to tiếng ở đây
Nhật ký ngày 1/2/2019
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết liên quan:
Ngồi xuống ngang mặt bạn: Đứng từ trên cao nhìn xuống sẽ gây cho con phản ứng tự vệ 
Bạn Gấu: Mình luôn luôn gọi con là bạn    
Góc bình yên: Mình tạo 1 Góc để bạn ấy đứng suy nghĩ (ông bà ngày xưa gọi là đứng xó)
Cảm nhận thấy cơn nóng giận: Dạy bé nhận diện biểu hiện của sự nóng giận
Không quản trị được cảm xúc: Ở độ tuổi này bé chưa biết kìm nén cảm xúc của mình 
Chờ con bình tĩnh: Không ai muốn nghe lý lẽ khi không bình tĩnh
Nói chuyện bằng lời lẽ, đưa ra các lý do: Dạy con tập đưa ra các lý lẽ và thuyết phục người khác
Quy tắc tôn trọng người lớn: đây là một trong 4 Quy tắc căn bản trong cuộc sống
Không có gì thú vị cả: chỉ phạt những thứ con muốn, không phạt những thứ con cần 
Mẹ rất yêu cái kéo: Tôn trọng giữ gìn đồ vật, nhân cách hóa đồ vật
Con có bao giờ thấy mẹ...:  người lớn phải luôn làm gương.
Biết xin lỗi là rất dũng cảm: Dạy con xin lỗi là hành động đáng trân trọng
Yêu Gấu dũng cảm: Cho con thấy phần thưởng cho người dũng cảm là được yêu thương
Con có muốn nhặt lại: Cho con cơ hội sửa sai
Theo con thì có nên..?: Hỏi ý kiến con, tuyệt đối không ra lênh 
Mẹ nghĩ là... chắc phải..: Đưa ra ý kiến tham khảo để con lựa chọn
Biết tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình: Hãy để con chịu trách nhiệm khi mà trách nhiệm còn nhỏ để tạo thói quen suy nghĩ trước khi hành động
Gấu rất đáng khen! Khích lệ ngay lập tức bằng sự ghi nhận, nhớ nhắc tên con, lặp lại nhiều lần tên con gắn với hành động tốt, sẽ đi vào tiềm thức con thấy mình là người tốt. 
Mẹ yêu con! Khi con cảm thấy đủ yêu thương sẽ bớt cáu gắt ương bướng. Hãy lặp lại nhiều lần câu nói này

0 comments:

Post a Comment

 

Đăng ký nhận bài chia sẻ

Liên hệ

Email us: linhkt2012@gmail.com

Hình ảnh